Tết ở chốn cung đình xưa

Feb 01, 2014 15:10:08

Từ khi tiếp nhận và chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa, phong tục của Việt Nam ta có rất nhiều nét tương đồng với người Trung Quốc. Vì sau thời Tần Thủy Hoàng các nước phụ thuộc Trung Quốc không được sử dụng lịch riêng mà phải theo lịch chính quốc, tức là đón Xuân vào ngày Một tháng Một âm lịch. Người Việt ta gọi là Tết Nguyên Đán, còn trong cung đình gọi là Tết Chính Đán. Và Tết chốn cung đình và Tết chốn dân gian có nhiều khác biệt.

Toàn bộ bá quan văn võ đều phải chỉnh tề trang phục, cài hoa lên đầu vào Đại Nội dự yến

Thời Lý – Trần, vào ngày lập Xuân, nhà vua mở đại yến trong Đại Nội. Toàn bộ bá quan văn võ đều phải chỉnh tề trang phục, cài hoa lên đầu vào Đại Nội dự yến.

Ngày 28 tháng Chạp: Vua ngự xe, các quan mặc triều phục đi phò tá. Xe vua đi đến đền Đế Thích ngoài thành Thăng Long để tế lễ.

Ngày 30 Tết: Vua ngự trên Đoan Cung, trăm quan làm lễ rồi tất cả cùng xem ca nhi múa hát. Thời Trần, vào buổi chiều ngày 30, vua thường sang cung Động Nhân để bái yết thái thượng hoàng. Đêm ấy, chư tăng vào Đại Nội tụng kinh và làm lễ “khu quỷ” tức là lễ đuổi ma quỷ.

Ngày mồng một Tết: Khoảng canh Năm (3-5 giờ sáng), vua ngự ra điện Vĩnh Thọ cho các hoàng tử, công chúa và các quan cận thần làm lễ bái hạ, sau đó vua đến cung Trường Xuân hướng về lăng tiên tổ (tức lăng phát tích nhà Trần ở làng Hữu Đường, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình) làm lễ vọng bái. Buổi sáng, vua ra điện Thiên An, hoàng hậu và các phi tần đã ngồi ở đấy, các quan nội thần đứng trên điện, nhạc công tấu nhạc trước sân rồng; các hoàng tử, thân vương cùng trăm quan xếp hàng làm lễ bái hạ và dâng ba tuần rượu. các hoàng tử lên điện, các quan đại thần ngồi lên tiểu điện phía Tây, các quan ngoại thần ngồi hai bên tả hữu, vua cùng mọi người dự yến đến tận trưa. Cũng trong buổi ấy, vua chọn những người thợ khéo tay làm một cái đài “Chúng Tiên” hai tầng ở trước điện. Trong đài trang trí vàng ngọc sáng ngời. Vua ngồi trên đài, các quan quì lạy dâng chín tuần rượu chúc thọ rồi về.

Sáng mồng một Tết, các hoàng tử, thân vương cùng trăm quan xếp hàng làm lễ bái hạ...

Ngày mồng Hai: các quan được về ăn Tết tại nhà riêng.

Ngày mồng Ba: Vua ngự trên lầu Đại Hưng xem các hoàng tử, các con quan và các nội giám đánh cầu, đánh vật… đây là trò chơi thượng võ đầu Xuân mà các vua Trần rất yêu thích, năm nào cũng tổ chức.

Khác với dân gian, nhà Trần tổ chức lễ Khai hạ (hạ nêu) vào ngày mồng Năm Tết. Xong lễ, vua ban yến ở nội điện, các quan dự yến xong thì đi du ngoạn quanh vườn thượng uyển hoặc đi lễ các đền, chùa ở ngoài thành.

Tết đến đây cơ bản đã hết. Nhưng vào dịp Nguyên Tiêu (rằm tháng Giêng), vua tổ chức lễ “Triều tăng” để thắp sáng cung điện và cầu bái đầu năm. Tháng Hai trong cung còn dựng đài xuân để vua ngự xem các trò diễn ở dưới sân như đánh vật, lực sĩ và trẻ con đấu nhau; các vương hầu thì cưỡi ngựa, đánh cầu, các quan đánh cờ, đánh vu bổ cùng nhiều trò chơi khác mang đậm màu sắc dân dã. Sau buổi này Tết mới thật sự kết thúc.

Từ thời Lê cho đến thời Nguyễn, do chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo nên việc tổ chức đón Tết trong cung đình thiên về nghi lễ nhiều hơn là phần vui chơi giải trí

Các nghi thức đón tết được chia làm hai phần: Phần nghi lễ trước sáng 1/1 âm lịch và phần hoạt động trong Tết (tính đến hết mồng Bảy)

Lễ Tiến Lịch được tổ chức long trọng ở sân đại triều trước điện Kính Thiên vào ngày 24 tháng Chạp. Đây là lễ ban lịch năm mới cho bách quan.

Đến tiết lập Xuân thì có hai lễ Tiến Xuân tức lễ dâng lễ vật đón mùa xuân tại sân đại triều; và Tiến Xuân Ngưu, là nghi lễ nông nghiệp, tổ chức ở phía Đông ngoài kinh thành (ở Thăng Long thì đàn tế đặt ở phường Đông Hà, ở Huế thì đặt ngoài cửa Đông Ba). Triều đình chuẩn bị tượng trâu, Mang thần (thần mùa xuân) nặn bằng đất cùng chiếc roi làm bằng cành dâu. Sau lễ cúng, quan phủ doãn sẽ dùng roi dâu đánh vào tượng trâu đất để tỏ ý “thúc trâu đi cày”. Tượng trâu cao 4 thước, tượng trưng cho 4 mùa; thân dài 8 thước, tượng trưng cho 8 tiết; đuôi dài 1 thước 2 tấc để tượng trưng 12 tháng. Mang thần cao 3 thước, 6 tấc, 5 phân, tượng trưng cho 365 ngày. Cây roi làm bằng dâu hoặc liễu dài 2 thước 4 tấc để tượng trưng cho 24 khí trong năm.

Hạ tuần tháng 12 thì tổ chức lễ Phất thức, lễ lau rửa và niêm phong ấn tín cuối năm. Đến ngày 30 tháng 12, triều đình tổ chức lễ Thướng tiêu để dựng Nêu ở cung điện, các đền miếu, lăng tẩm. Trong ngày này, triều đình cũng tổ chức lễ Cáp hưởng ở các miếu, điện (tức là làm lễ mời các vị tiên đế về ăn Tết). Vua đích thân ngự raThái Miếu hoặc Thế Miếu làm chủ lễ. Cũng từ ngày này, vua sai các thân công, hoàng tử hoặc các quan đại thần thay mặt mình đi tế cúng ở các lăng tẩm, đền, miếu, chùa quán ở Kinh đô.

Trong Tết, từ ngày mùng một đến hết mùng bảy, phần lễ cũng chiếm chủ yếu. Sáng mùng Một tổ chức lễ Chính đán, đây là buổi đại triều đầu tiên trong năm để bách quan chúc mừng nhà vua (Thời Lê Trung Hưng thì lễ này gắn với lễ mừng chúa Trịnh). Tại Thăng Long, lễ được tổ chức trong khu nghi lễ từ ngoài cửa Đoan Môn đến điện Vạn Thọ. Ở Huế thì tổ chức từ điện Cần Chánh ra Ngọ Môn. Các nghi thức từ lỗ bộ, nghi trượng, cờ, quạt, âm nhạc, triều phục đến trình tự tổ chức cũng có thể xem là điển hình nhất. Thời Nguyễn, bên cạnh lễ chúc mừng nhà vua còn có lễ chúc thọ thái hậu, lễ mừng hoàng quí phi, mừng hoàng thái tử. Bách quan đều có nghĩa vụ tham gia.

Đầu xuân, triều đình đến làm lễ ở miếu tổ và các miếu thờ thần tại kinh đô. Lễ ở các miếu thờ thần được gọi là lễ Bảo thần (phong thần phúc lành).

Ngày mùng Bảy tháng Giêng, triều đình tổ chức lễ hạ nêu, sau đó là lễ Tế Đạo kỳ (Tế cờ) và bắn súng đầu năm. Lễ này do bậc võ quan nhất phẩm đại thần chủ trì, tổ chức ở phía nam kinh thành. Người ta cho rằng tiếng súng thần công bắn vào dịp tế thần Đạo kỳ có nghĩa là đuổi tà ma ác quỉ. Cho nên những nhà gần kinh đô mọi người đều sẳn sàng chuẩn bị trống mõ, thùng sắt, roi dâu để khi nghe tiếng súng nổ là đánh trống, đánh mõ vang lừng, lấy roi dâu vụt, đập mạnh vào cửa, vào sàn nhà, phản ngựa để gây nên cảnh huyên náo nhằm xua đuổi tà ma.

Phần hội đáng kể nhất sau Tết là hoạt động du xuân. Đây vốn được xem là phong tục truyền thống. Vua Lê, chúa Trịnh đều có hoạt động du xuân sau ngày mùng Một, chủ yếu là đến các đền chùa lễ bái. Thời Nguyễn thì mãi đến thời Đồng Khánh (1885-1889) mới tổ chức du xuân. Vua Bảo Đại thì tự tay lái ô tô để thăm thú cảnh sắc xuân quanh kinh thành.

Tết năm mới ở Việt Nam vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng được du nhập từ rất sớm, được chuyển hóa để phù hợp với văn hóa của người Việt. Trong chốn cung điện, từ thời Lý-Trần đến đời Nguyễn, các hoạt động nghi lễ đón Tết cũng có những khác biệt: Thời Lý-Trần, Tết trong cung điện còn ảnh hưởng nhiều của Phật giáo, nhưng bản sắc dân tộc còn đậm đà, phần hội hè vui chơi chiểm chủ yếu, các nghi lễ ít hơn; Từ thời Lê đến thời Nguyễn, do ảnh hưởng của Nho giáo ngày càng sâu sắc nên hoạt động đón Tết nặng về lễ hơn là hội, khoảng cách giữa cung điện và dân gian ngày càng lớn. Tuy vậy, hoạt động đón Tết trong cung điện dù ở triều đại nào cũng đều thể hiện rõ truyền thống văn hóa của người Việt, nhất là truyền thống xem trọng tổ tiên, đặc biệt là ở thời Nguyễn, các nghi lễ đối với tổ tiên trong ngày Tết được tiến hành rất trang trọng và chiếm phần rất lớn trong các nghi lễ nói chung, thậm chí được nâng lên thành Quốc lễ. Cho đến nay, ảnh hưởng của lễ Tết cung đình vẫn in dấu sâu đậm trong dân gian vùng Huế. Đó cũng là điều hấp dẫn với không ít du khách.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải

VietnamFishingReview