Thơm thảo hồn quê

Jan 30, 2014 14:10:42

Đã là người Việt, dù sống ở nơi đâu trên Thế Giới, có ai lại không nhớ trong tâm khảm về sự tích chàng Lang Liêu từ tấm lòng hiếu thảo đã được thần chỉ bảo và dâng kính lên vua cha món bánh chưng, bánh giày để từ đó dân tộc cùng tự hào về hai món ăn giản dị mà đầy tinh tế, nơi đâu cũng có nhưng hễ nhắc tới là gợi về ngày Tết sum họp êm đềm. Huyền sử đã chìm sâu vào lớp màn sương quá khứ, thời kỳ Hùng Vương với 18 đời vua chỉ là một khái niệm mang tính ẩn dụ hơn là sự xác thực của nghiên cứu, và bao trùm lên câu chuyện xưa lại là những triết lý sâu xa của một dân tộc vốn yêu chuộng những điều bình dị. Đâu chỉ là hình tượng về Trời tròn Đất vuông, không chỉ là sự khái quát về thiên nhiên và đồng ruộng trù phú xung quanh được gói gọn vào tấm bánh chưng vuông đối với người Việt, bánh chưng bánh giày là sự hiện thực hóa của những mùa vụ thóc lúa đầy bồ, mưa thuận gió hòa, ngoài đồng thơm mùi lúa mới, trong nhà có tiếng trẻ nô đùa. Một đất nước phát triển từ nền văn minh lúa nước ắt hẳn có tình cảm yêu thương đặc biệt với những gì hiện hữu xung quanh làng xóm, có sự trân trọng với từng nhánh lá, ngọn rau, đàn gà, con lợn trong sân. Cuộc sống yên bình là mơ ước sau triền miên các thời kỳ giặc giã, bữa cơm sum họp dưới mái nhà yên bình là khát khao ngàn đời, bởi vậy những món ăn được ưa thích trong cộng đồng và nhất là dùng để dâng kính tổ tiên không thể là các món xa hoa như nem công chả phượng mà chỉ là những món dung dị nhưng chứa đựng công sức cần cù của con người, gói trọn những gì ngon lành mà quen thuộc của đời sống hàng ngày. Các món bánh gói trải dài từ Bắc vào Nam, từ miền núi tới miền xuôi của đất nước dù khác nhau về hinh thái song tựu trung đều có hàm ý tương đồng, là nơi để gửi gắm những ước vọng về đời sống ấm no sung túc, mùa màng bội thu.

Bánh chưng là sự hiện thực hóa của những mùa vụ thóc lúa đầy bồ, mưa thuận gió hòa...

Phổ biến nhất trong các món bánh gói trên đất nước vẫn là các loại dùng gạo tẻ và gạo nếp là nguyên liệu chính. Trong các bữa cơm ngày Tết ở miền Bắc có nhà nào lại không có vài cặp bánh chưng, dành hai cặp ngon nhất để thắp hương trên bàn thờ, số bánh còn lại treo buộc trên cột để ăn suốt các ngày từ đêm giao thừa cho tới cuối tháng Giêng.

Bánh tẻ Phúc Yên

Tục lệ ngày xưa là như vậy, còn trong thời hiện đại, khi cư dân thành thị không còn quá ưa thích món ăn cổ như thời xưa thì số bánh đã giảm đi nhiều lắm, song như vậy lại tự mình đánh mất cái thú được quây quần vo gạo, rửa lá, đãi đỗ và nhất là cùng nhau ngồi trông ngọn lửa hồng trong đêm đông giá lạnh, canh cho nồi luộc bánh lúc nào cũng sôi để khi trời sáng là vừa lúc vớt bánh trong sự háo hức chờ đón của bầy trẻ nhỏ. Còn đậm nét trong trí nhớ của những người Hà Nội xưa những chiếc bánh chưng nhỏ xíu mà cha mẹ làm riêng dành cho trẻ, những đứa bé không thể kiên nhẫn đợi thủ tục thắp hương làm mâm cơm tất niên. Vị ngon ngọt của bánh mới vớt, mùi thơm ngát của nồi nước lá mùi già được đun cho cả nhà tắm trong ngày cuối của năm cũ, mùi khói hương lan tỏa từ nhà ra ngõ, những cảm xúc ấy ngày nay đã phai đi nhiều trong đời sống đô thị nhưng vẫn hiện diện ở chốn thôn quê, chúng chính là hương vị ngày Tết, là mùi của hạnh phúc đơn sơ ngày xưa cũ.

Không thể bỏ qua món bánh Giậm của cộng đồng người Tày trên miền núi Lạng Sơn, cũng gói lá chuối, cũng gạo nếp và thịt nạc, cũng đỗ xanh, nhưng từ cách chế biến hay do âm hưởng của núi rừng mà có phong vị khác với bánh chưng của miền xuôi. Với nếp chắt từ than của rơm nếp, với thịt mỡ và lạc, những chiếc bánh giậm có vị đen óng ả, có vị mặn mòi và bùi béo lúc nào cũng làm cho người sơn cước nhớ về ngày Tết cơm mới của quê hương mình.

Bánh Giậm của cộng đồng người Tày trên miền núi Lạng Sơn

Mùa đông trên miền núi cao thời tiết thường giá lạnh và ngọn lửa trong nhà sàn không khi nào tắt, cũng như bát rượu mời khách ghé thăm lúc nào cũng phải tràn đầy, trong ngôi nhà của người Tầy thì có bánh giậm trong mâm cơm cúng, còn với người Mông thì tục lệ có hơi khác với món bánh giầy nướng trên lửa, chỉ ăn không đã cảm nhận được vị thơm ngon của cánh đồng lúa nếp chín.

Những ngày cuối Đông đầu Xuân, mưa giăng khắp núi rừng, khi cây đào ngoài sân nở bung trong không gian trắng bạc những đốm lửa hồng  trên cành thì cũng là lúc các gia đình người Mông dọn dẹp nhà cửa, xếp củi đầy sân và giả bánh giầy, những chiếc bánh lớn bọc lá chuối và để trên gác bếp hàng tháng trời. Khách đến nhà lúc nào cũng được mời bánh Giầy nướng cùng rượu mới cất, phong tục từ ngàn đời vẫn vậy, dù ngoài đường thanh niên Mông đã thích chạy xe máy hơn cưỡi ngựa và bật bài hát trong điện thoại thay vì tự thổi kèn môi mời gọi bạn tình như xưa.

Trở xuống miền xuôi và đi sâu vào phương Nam, hình thái của các món bánh lá càng đa dạng, phản ánh rõ rệt tập tục của từng miền. Đất Kinh Bắc thanh lịch nổi tiếng với bánh tẻ được làm từ bột gạo xay nhuyễn ngâm nước, nhân mộc nhĩ và thịt nạc, hương vị rất thanh khiến người ăn cứ muốn nếm mãi không thôi. Cũng ở quê hương quan họ, mỗi khi được mời ăn miếng bánh phu thê cổ truyền, khách đến chơi nhà hẳn lấy làm may mắn lắm, bởi đó là tín hiệu cho biết gia đình chủ nhà đang có việc vui mừng như cưới hỏi. Tất nhiên ngày nay bánh phu thê đã được bán vào mọi ngày trong năm, song tục lệ xưa vẫn còn ghi dấu trong cộng đồng, và chỉ ngày trọng đại thì các bà nội trợ đảm đang mới đi xay bột, xát sợi đu đủ, ngâm đỗ, rửa lá để làm món bánh mang dấu ấn của hạnh phúc lứa đôi.

Cũng như vậy ở miền Nam làm món bánh tét, chỉ có thể thưởng thức vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Với hình trụ tròn và dài, bánh tét là biến thể của bánh chưng ngoài bọc lá chuối, nhân gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, thêm hạt tiêu nước mắm ngon, mỗi chiếc bánh là sự kết hợp của mùa màng trù phú, là hình bóng của những ngày đón Xuân trên đất phương Nam với hoa mai vàng tỏa nắng. Thú vị nhất là ở một số vùng người ta lại gói bánh nhân chuối hoặc đậu đen, điều này cũng như ngoài Bắc có một số làng cổ rất thích bánh chưng nhân đường hoặc dùng cá chép thay vì thịt lợn.

Nếu miền Bắc có món bánh chưng thì ở miền Nam có món bánh tét

Mỗi món ăn một phong vị riêng, mỗi cộng đồng một tục lệ, song bao trùm lên vẫn là một tinh thần hòa đồng cùng thiên nhiên, sử dụng các sản vật quen thuộc trong vườn  ngoài cánh đồng để làm thành món ăn truyền thống. Từ lòng hiếu thảo xưa mà hình thành món ăn dâng trời đất, từ sự tần tảo của con người trên đồng ruộng mà tạo nên những món bánh lá gần gũi trong đời sống, ngày Tết của dân tộc Việt từ ngàn đời nay thật đáng tận hưởng biết bao.

Thanh Tuyền

VietnamFishingReview