Tết xưa Hà Nội

Jan 28, 2014 08:09:18

Bạn tôi bên báo Văn Hóa gọi điện í ới “ Tôi nghe nói nhà ông mấy đời ở phố Hàng Buồm hả? Chà may quá, tôi đang bí đề tài”. Ơ hay! gốc gác của tôi và cái đề tài của y thì ăn nhập gì nhau nhỉ? Hỏi ra mới biết, thì ra y đang viết về Tết xưa Hà Nội.

Tết xưa ở Hà Nội trong ký ức của tôi chỉ là những cái Tết nghèo khó của thời kỳ bao cấp. Tôi còn nhớ những tháng gần Tết, cả nhà hầu như nhịn hết mọi thứ, tạm gọi là ngon, để dồn tem phiếu mua sắm Tết. Cận Tết, các cửa hàng mậu dịch chật như nêm, ai cũng cố chen chân mua cho được chiếc bánh chưng, cân thịt mỡ, chiếc lá dong bất kể héo, sâu, lá nhỏ hay rách. Chị tôi lớn nhất, được giao cho nhiệm vụ đi xếp hàng. Chị đi từ tinh mơ đến khi trời đứng bóng mà vẫn chưa mua được những thứ thầy mẹ tôi dặn. Tết thời “mậu dịch”mỗi người chỉ được mua một cân gạo nếp, một lạng đỗ xanh – trừ vào sổ gạo, mà gạo thì chẳng được ngon, đỗ có khi còn sượng, nhiều sạn lẫn vào đó. Vậy nên thầy tôi thường phải mua bánh chưng mậu dịch, thứ bánh mà nếu không lại gạo thì cũng bị chua, có khi chỉ mới mùng một đã ôi, thiu. Biết là thế nhưng vẫn phải mua cho có hương vị ngày Tết.

Những ngày chuẩn bị đón Tết, gia đình mỗi người một việc, nhưng công việc vinh quang nhất lại cũng cơ cực nhất là “sắm” Tết.  Mọi người buộc phải xếp hàng luân phiên: xếp hàng mua chai rượu nếp múc ở chum;  chen được ra khỏi cửa hàng rượu thì lại phải xếp hàng ở quầy khác mua gói chè loại 2, rồi qua hàng khác mua thếp bánh đa. Mua bao nhiêu thứ là bấy nhiêu lần xếp hàng.  Để có được đĩa bánh qui tiếp khách, mẹ tôi đi từ mờ sáng mà chỉ mua được dăm quả trứng, cân bột mì, vài lạng mỡ thay bơ… may mắn lắm mới được cân bánh qui, cả nhà hể hả. Đó là giai đoạn vô cùng khó khăn trong dòng chảy lịch sử của dân tộc mà cả một thế hệ người Việt Nam phải nếm trải, nay trở thành một dấu ấn không thể mờ phai.

Nói đến những nét đặc sắc của Tết xưa ở Hà Nội, nhà Hà Nội học Nguyễn Vĩnh Phúc cho rằng đó là cái Tết “đậm nét văn hóa, ẩn sâu thi vị và đậm chất nhân văn nhất”. Thật vậy, ngay như cách sắm sửa, ăn, chơi, tặng quà trong dịp Tết, người Hà nội cũng đều thực hiện theo một cách rất riêng.

Trước Tết cả tháng, nhà nhà đã chuẩn bị, chăm lo cho Tết. Từ làm mứt, mua trà, mua các món khô như măng, nấm hương, miến mọc, bóng, bì… đến việc sửa sang, dọn dẹp bàn thờ, là việc vô cùng thiêng liêng, bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên và cầu mong những may mắn trong năm mới. Mặc dù có bánh kẹo, nhưng người Hà Nội vẫn có thói quen ăn và mua mứt làm quà. Mỗi dịp Tết đến, nhiều người về làng mứt hoa quả Xuân Đỉnh, mứt ô mai Hàng Đường và mứt sen làng Nành để mua cho gia đình hoặc mua biếu bè bạn, người thân.

Từ 23 tháng Chạp trở đi, không khí Tết tràn ngập các ngả đường. Phố cổ thời gian này được mùa kinh doanh các mặt hàng truyền thống: Hàng Bồ treo la liệt câu đối Tết và các loại tranh dân gian; Hàng Mã bán đầy các loại vật dụng bằng giấy như vàng mã, tiền âm phủ,  quần, áo, mũ, giày… Khu vực Hàng Lược đến đầu Hàng Cót, Hàng Đậu là cả một vườn hoa di động, rực rỡ sắc màu đào, quất, cúc, mai, hồng nhung, mẫu đơn, thủy tiên, thược dược…

Từ 23 tháng Chạp trở đi, không khí Tết tràn ngập các ngả đường Hà Nội

Đến chiều 30, thời khắc cuối cùng của năm cũ, mọi người đều chộn rộn. Đàn ông và trẻ nhỏ thì trang trí nhà cửa, dán tranh Tết, sắm cành đào, cây mai, mâm ngũ quả, đôi câu đối đỏ…. Phụ nữ chuẩn bị cỗ cúng Tất Niên, thỉnh mời tổ tiên cùng về ăn tết với cháu con. Bữa cơm cúng Tất Niên của người Hà Nội không chỉ gồm các món ăn ngon mà còn phải đủ lệ, cơ bản thường có 5 bát (bóng, miến, măng, mọc, chim hoặc gà tần) và 5 đĩa (giò, chả, gà luộc, xào, nộm).

Thầy tôi kể, thời còn là cậu bé lớp đồng ấu, khoảng gần 10h trưa mồng một Tết, người được bà tôi mời đến xông đất cho gia đình, người xông đất đầu năm phải được lựa chọn rất cẩn thận từ trước, phải là người có đạo đức, có uy tín trong dòng họ. Người xông đất mà chưa đến thì trẻ con không được phép ra khỏi cửa. Đối với trẻ nhỏ thì đó quả là một cực hình. Thầy tôi, các cô, chú được ông bà tôi cho đi chơi chợ Đồng Xuân, chợ hoa Hàng Lược, đi bờ hồ ngắm cảnh Tết. Số tiền dành dụm đủ mua bức tranh Đông Hồ gà, lợn và đổi đồng tiền mới.

Sáng mồng một Tết, bàn thờ tổ tiên được thắp thêm hương, đốt thêm trầm, gia đình quây quần chúc Tết ông bà. Sau bữa cơm cúng vào buổi sáng đầu tiên của năm mới, các chủ gia đình đều đến lễ tổ tại nhà thờ họ, chúc tết họ hàng, nội ngoại và thăm viếng đền chùa. Các nơi như chùa Quán Sứ, đền Ngọc Sơn, đền Bạch Mã, chùa Trấn Quốc, chùa Bá Đà, đền Hàng Trống, đền Quán Thánh, phủ Tây Hồ… đều có rất đông người đến thắp hương, xin thẻ, cầu tốt lành trong năm mới, cầu cho được  “thiện, khuyến, hòa, vọng”, tức là lương thiện, trong sạch, đẹp, hòa hợp và hy vọng.

Thú chơi ngày Tết
Một trong những thú chơi Tết cầu kỳ, đậm nét  văn hóa, tín ngưỡng là chơi câu đối, được xem  là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Hà Nội xưa, đặc biệt là với các cụ cao niên, các gia đình công chức, các nhân sĩ, trí thức. Cuối tháng Chạp, những nơi như cửa Văn Miếu, dưới chân Tháp Bút, cổng đền Ngọc Sơn,  thường thấy các cụ đồ già ngồi viết câu đối, bên cạnh là trẻ nhỏ ngồi dõi theo từng nét bút. Những câu đối như “Lộc biếc, Mai vàng, Xuân hạnh phúc/ Đời vui, Sức khỏe, Tết an khang” trở nên quen thuộc, trở thành những kỷ niệm khó phai trong lòng những người con Hà Nội xa quê.

Thú "xin chữ" đầu năm là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Hà Nội xưa

Có một tục lệ thật quí mà người Hà Nội duy trì được qua hàng nghìn năm, đó là quà biếu. Quà biếu không phải là món quà “hối lộ” mà là tấm lòng nghĩ đến nhau, mang cho nhau niềm vui, sự biết ơn. Đó là những món quà, khi một con gà thiến, mấy cân gạo, lúc chỉ là chẻ cau, cây mứt, mà là con cái biếu cha, mẹ; học trò biếu thầy cô; bạn bè, bạn hàng, người cùng lối xóm biếu cho nhau, cầu chúc cho nhau được tốt lành trong năm mới.

Người Hà Nội còn có một thú chơi rất đẹp nữa đó là chơi hoa đào ngày Tết. Nhà có thể thiếu khoanh giò, tràng pháo hay cây Nêu nhưng không thể thiếu hoa đào. Hoa đào Tết dường như đã ăn sâu vào tâm thức của người Hà Nội. Hoa đào không cứ phải là đào Nhật Tân, mà có cả đào phai nữa.

Trong các món ăn ngày Tết, người Hà Nội vẫn giữ được truyền thống của mình. Giò chả Ước Lễ, các loại giò thủ, giò gà, chả quế, thịt bò bó thành giò, thịt đông, nem, mọc, chim quay, măng ninh, gà hầm… Dưa hành là món phụ nhưng không thể thiếu trong mâm cỗ Tết, nó vừa là món ăn, vừa là bài thuốc quý. Đêm giao thừa, khắp các ngõ phố, nhà nhà đều bày mâm cỗ chay ngoài trời cúng tiễn ông Hành Khiển cũ và đón ông Hành Khiển mới. Cúng xong, người ta rắc gạo xuống đất để những linh hồn tha phương được ăn no, không quấy nhiễu trong năm mới. Đây là phong tục có từ rất xưa mà nhiều gia đình còn giữ được đến ngày nay.

Và còn rất nhiều điều khác còn nằm sâu trong tâm khảm của những người con xa Hà Nội, đó là hàng liễu lơ thơ bên hồ Hoàn Kiếm, là tiếng pháo đêm giao thừa, là mùi hương trầm trong đền Quan Thánh, màu xanh của bánh chưng Tranh Khúc, sắc thắm hoa đào Nhật Tân… tất cả như hòa quyện, đan xen, làm nên cái đẹp rất riêng của đất trời Hà Nội.    

Dường như nỗi nhớ niềm thương cũng được tiếp thêm sức sống mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Tràng An

VietnamFishingReview