Xa xứ

Jan 25, 2014 08:45:10

Tôi là một kẻ xa xứ. Vì mưu sinh mà ba mẹ tôi gồng gánh gia đình lên tàu xuôi về phương Nam. Những nhọc nhằn trong cuộc sống khiến mọi thành viên trong gia đình tôi ít nhớ quê hơn. Thế nhưng mỗi khi Tết đến mới thấm thía hết cái nỗi tha phương. Tết ở đây không khói trầm nghi ngút, không cây nêu, không cả một lọ sen tinh khiết trên bàn thờ tổ tiên. Không dưng lại nhớ hết mọi điều. Chuyện cây khế chua, cây vả chát xít cuối ngõ mà anh tôi hay hái trái cho mệ (bà) tôi dọn món tôm chua. Mới đó mà đã thành xa lắc.

Tết đến mới thấm thía hết cái nỗi tha phương

Ngày biết tin mệ mất, cả nhà gom góp cũng chỉ đủ tiền mua vé cho một mình ba tôi về quê. Lúc trở vô, tôi phải giật mình trước vẻ già sọm đi của ông. Lúc đó tôi còn quá nhỏ để thấu hết cái xót xa của ba tôi. Ba tôi xót xa cho nỗi mệ không còn sống để đợi đến lúc ba ăn nên làm ra, đưa cả nhà hồi cố hương. Rồi ba tôi cũng mất sớm trên mảnh đất phương Nam. Lúc hạ huyệt, nhìn những mảnh khăn trắng loe hoe, nghe những tiếng đất rời rạc ném xuống, bỗng dưng tôi thấu cái nỗi xót xa của ba tôi ngày nào. Tôi thương ba tôi một, tôi lại thương cho cái kiếp sống tứ cố vô thân của mình đến mười. Có lần nhớ đến những chuyện này, tôi buột miệng thốt lên: “ Chao ôi, nhớ quê quá!”. Một anh đồng nghiệp bảo nhỏ: “ Đến một cái giọng Huế mà mi còn không giữ được, nói chi đến chuyện nhớ, chuyện quên”. Tôi bỗng nhớ đã lâu rồi tôi không nói giọng Huế. Mà có muốn nói thì cũng không được nữa rồi…

Mẹ chồng tôi là một phụ nữ Nam Bộ đôn hậu. Chính bà đã xóa dần đi mặc cảm người xa xứ trong tôi. Bà hay kể cho tôi nghe những chuyện cứ như hư như thực. Bà nói cây chuối cũng có tình mẫu tử. Nếu không vậy tại sao nó không hề trổ buồng vào hướng có những mụt chuối con đang đâm chồi. Bà không bao giờ cho tôi đốn chuối vào ban ngày: “ Đợi đến tối hãy đốn nghen con. Cho nó sống thêm một ngày, không thì tội lắm”.

Vậy là Tết đến tôi lại có thói quen về quê chồng. Tôi thèm một cảm giác cùng mẹ chồng đi sắm sanh đồ đạc ở tiệm tạp hóa của ông Chệt đầu kinh So Le. Bà nhắc tôi ghi “toa” từng cân than nướng bánh bông lan, từng ống khói đèn dầu, từng xấp giấy vàng mã cho trang thờ ông bà. Tôi nhớ giao thừa năm đó, khi tụi tôi đang canh lửa cho nồi bánh tét, thấy mẹ cứ hì hụi dưới bến sông. Hỏi thì mẹ bảo mẹ cân nước để biết năm tới có mưa thuận gió hòa. Nếu chai nước lấy vào sáng mùng một nặng hơn chai lấy đêm ba mươi, năm đó thế nào cũng có nước dâng, cầm bằng ngược lại thì nắng hạn sẽ cháy cả cỏ cây xứ này. Tôi cũng không hiểu sao những người dân ở đây lại có một niềm tin mãnh liệt vào một tập tục dân dã đến vậy. Chỉ có điều, mỗi một năm qua đi, độ chênh lệch của các chai nước sông càng thất thường hơn trước. Thằng em út đang phụng dưỡng mẹ tôi cứ năn nỉ bà bán đất, bán vườn ra chợ ở. Không hiểu sao tôi cảm thấy sờ sợ khi thấy mẹ chồng tôi dạo này già sọm đi như ba tôi ngày trước. Dọn dẹp nhà cửa, tôi không thấy những cái chai đong nước năm nào…

Cũng chuyện đêm ba mươi Tết. Tôi có một anh bạn đồng nghiệp quê ở chót mũi nhưng cuộc sống gia đình cứ dịch chuyển rày đây mai đó. Trước khi dọn nhà xa quê, anh lấy một cái chai rượu nhỏ trong đó có ngâm cuống rốn con mình uống cạn. Anh bảo với đứa bé đang tròn mắt ra nhìn: “Người ta bảo quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn. Đã vậy, từ rày sắp lên, ba ở đâu thì quê hương của con ở đó nghe con”. “Vậy quê của con có giống quê của ba, của nội không ba?”. Anh bạn tôi nhìn nó chết sững.

Tôi kể chuyện đó cho chồng tôi nghe. Thằng con nghe tiếng được tiếng mất nói leo vào: “Quê hương là gì mà mẹ nói hoài vậy mẹ?”. Thì đại để là chốn nào mà con thấy yêu thương, thấy nhớ nó nhất”. Nghe vậy, nó nhảy tưng lên mà bảo: “A! vậy quê của con ở Đầm Sen đó nghen mẹ!”. Cứ tưởng nó ngây thơ bảo vậy cho vui nên tôi cũng ít quan tâm. Không dè, nó ngày càng ít háo hức về quê nội như trước. Nó cứ cằn nhằn nhà nội không có điện, nhà nội không có ti vi. Khuôn mặt chồng tôi chợt như chùng lại khi bảo nhỏ: “Rồi có còn quê để mà về nữa không con(!)”…

Tự dưng tôi nghĩ, hôm nay tôi khóc cho một ước vọng hồi cố hương không thành của ba tôi. Tôi khóc cho nỗi xa con kinh đầu xóm của mẹ chồng tôi. Nhưng rồi mai đây, khi lớn lên, con tôi trở thành một kẻ tha hương ngay chính trong tâm tưởng của nó thì liệu có ai còn khóc cho tôi.

Hồng Hạnh

VietnamFishingReview