Hồn quê mãi vọng

Jan 23, 2014 04:46:35

Trên đường từ Bạc Liêu về thành phố, con gái hỏi tôi: “đi bắt cặp ếch là thế nào hở ba?” chắc là nó mới thấy cậu em bạn gì của tôi chuẩn bị đèn để đi soi ếch. Tôi trả lời “ Là dùng ếch làm cò mồi, để cho chúng bắt cặp rồi mình bắt cả đôi. Mùa tới về quê ba sẽ chỉ cho con biết”. Nói rồi tôi chợt thấy chạnh lòng: “ Này, dễ chừng hơn hai chục năm rồi mình không còn đi soi ếch”.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê tỉnh Bạc Liêu. Bạc Liêu cũng như các vùng đất khác của khu bán đảo Cà Mau cách đây bốn mươi năm nức tiếng bởi nguồn lợi cá đồng. Cá đồng ở đây tính luôn cả lươn, rùa, rắn, ếch. Khi mưa đầu mùa mới vừa khởi xướng là người dân quê túa ra đồng đón nhận những sản vật mà mẹ thiên nhiên ban tặng. Mưa đầu mùa là khởi đầu của một mùa “sa mưa” theo cách gọi của người dân quê tôi. Không thể kể xiết được lượng ếch nhái trong khoảng thời gian này. Về mặt sinh học, nhái thường ở những vùng đất bị nhiễm mặn gọi là đất cỏ. Khoảng 12 giờ đêm, giờ mà nhái bắt cặp đẻ trứng, người soi nhái chỉ cần xách đèn khí đá đến các khu mã đìa lạng hay hố pháo để soi thì coi như trúng lớn, khi đó chỉ còn cách hốt vào vỏ chứ không thể bắt từng cặp. Riêng ếch thì lại khác, chúng sống ở vùng đất thuần ngọt. Vào mùa soi ếch, đồng quê như có hội. Chúng tôi, những đứa trẻ 12-13 tuổi theo người lớn đi bắt ếch mồi từ đầu hôm , đem bỏ vào vỏ (mỗi vỏ chừng 2-3 con) làm mồi nhử, rồi chọn chỗ tốt đặt vỏ. Sau khoảng 1 – 2 giờ bật đèn lên là thấy ếch bắt cặp đầy quanh vỏ, thế là cứ bắt từng cặp bỏ vào vỏ mang về.

Thiên nhiên ở đây thật kỳ lạ, sáu tháng liền đất trời khô hạn khiến đồng khô cỏ cháy tưởng như không còn con gì có thể sống được. Nhưng chỉ sau cơn mưa đầu, ruộng đồng xâm xấp nước, thì thấy cơ man nào là cá rô, cá trê, cá lóc…, chúng đi tìm chỗ đẻ trứng. Đây cũng là mùa soi cá trong năm. Những con cá mình đầy trứng được người đi soi cứ thế nhặt vào vỏ, chỗ sâu thì họ dùng dao chặt. Ở các “họng” đìa, lũ lươn, rùa, rắn thường lên nằm chờ cá. Những con lươn nghệ vàng ươm, nặng cả ki-lô thấy đèn cũng không buồn trốn, để cho tay soi cá cầm giao chặt rồi cho vào vỏ.

Khu bán đảo Cà Mau như Rừng U Minh Cà Mau hay Đồng Chó Ngáp Bạc Liêu… ngập úng quanh năm nên còn có tên là vùng “cầm thủy”. Đây là vùng trũng, nước không thoát ra biển được nên trở thành túi cá đồng. Mùa hạn, cá vào khu vực này trú ngụ chờ mưa xuống, rồi theo nước đi khắp đồng, sinh sôi nảy nở, nuôi sống triệu triệu sinh linh. Cá ở đây sống hết năm này qua năm khác nên rất nhiều và to. Kho tàng sản vật U Minh một thời làm nên huyền thoại qua những câu chuyện trào lộng của bác Ba Phi. Người ở phương xa khi nghe ngỡ là chuyện phiếm nhưng những người sống trong ruột Bạc Liêu – U Minh Cà Mau như tôi đều hiểu rằng bác đã dựa trên cái nền sản vật trù phú của vùng đất này mà sáng tác.

Nội tôi còn kể rằng thuở còn trai tráng, cứ vào tháng 2, tháng 3 âm lịch hàng năm, nội thường cùng ông cố và các ông chú trong làng dắt trâu kéo cộ đi tìm ổ cá ở các con lung trong rừng. Lúc này nước rất cạn, cá dồn về các đìa trú ngụ chờ mưa nên có vô số cá lóc cá trê, cá rô, cá sặc, lươn, rùa, rắn… ở trong đìa. Tìm thấy đìa thì che chòi giữa rừng, ở đó vài ngày thu hoạch cá. Cá nhỏ đem làm mắm, phơi khô còn cá lớn cho lên cộ để trâu kéo về, vậy mà cũng mất mấy ngày mới xong.

Còn có cách tìm ổ cá khác, đó là tìm ổ nằm sâu trong đất. Nội nói nó thường ở giữa Đồng Chó Ngáp Bạc Liêu, trên một con lung. Khi hạn hán, con lung kiệt khô nước, cá khoét sâu vào lòng đất cái ổ có chiều dài 6 mét chiều sâu chừng 1 mét, bằng mắt thường không tài nào phát hiện ra được. Người đi tìm ổ tai phải thính, khi tìm phải lắng nghe từng chuyển động một, ví như bàn chân giẫm vào đất mà nghe tiếng ột, ẹt dội lên, còn mặt đất giống như đang chuyển động thì chắc chắn ổ cá nằm ở đó. Khui ổ cá lên, thấy cả nước lẫn sình, quyện trong đó nào là rắn, cá, rùa, lươn. Nội còn nói, nếu có người vô tình băng qua đồng, chẳng may sụp xuống ổ cá, bị cá và rắn đè rất nguy hiểm. Người bắt cá lại che chòi giữa đồng, làm khô làm mắm và chuyển cá về dần.

Người dân quê tôi làm lú, đánh bắt cá tôm quanh năm, nhưng trúng nhất vẫn là mùa Tết

Tháng Chạp. Mùa gió chướng. Cũng là mùa Tết. Người dân làm lú, đánh bắt cá tôm quanh năm, nhưng trúng nhất vẫn là mùa này. Chỉ cần chờ đến khi gió về, lành lạnh hây hây trên da thịt là họ lại đốn tre xuống lú. Miệng lú tròn, rộng bằng miệng thúng, được giăng ngang các đầm rộng mênh mông nước, miệng lú nằm giữa hai ven làm bằng lưới căng dưới nước hình chữ V, đặt xuôi theo con nước để đón luồng tôm. Con tôm có tật lội ngược, thấy ánh đèn treo trên đầu lú là de đít vô. Mùa này xuống Cà Mau không thể đếm có bao nhiêu ánh đèn trên đầm. Cái ánh sáng phù hoa lung linh đó đã giúp đồng quê nghèo trút bỏ vẻ lãnh đạm thờ ơ của ban ngày để trở thành một thành phố về đêm rực rỡ.

Cuộc sống thật đẹp, thật vui thời thơ ấu cứ thế trôi đi, và cùng với những câu chuyện “thần tiên” của ông nội đã gieo vào lòng tôi tình yêu, niềm tự hào bất diệt về quê hương xứ sở mình. Không biết bao lần tôi bày tỏ mơ ước rằng khi lớn lên sẽ trở thành một người nông dân sáng tối trên đồng, làm bạn với cây lúa, con tôm, con cá như nội, như tía má. Vậy mà những tâm tình đó đã xa tôi lâu lắm rồi. Từ lúc ra thành thị học, trong tôi dường như mất đi nhiều trong trẻo mà toan tính nhiều hơn. Những mộng mơ thiếu thời nảy nở từ những đêm ngắm trăng nghe chuyện của nội đã nhanh chóng khuất lấp sau những cơm áo cuộc đời. Và mất hẳn sau những chuyến về quê hiếm hoi, bước đi trên những con đường đất lầy lội, đứt đoạn mỗi lúc mưa về, thấy vườn tược xơ xác, thấy đầm nước phơi mình chang chang trong nắng đỏ, thấy móng chân cả đời đóng phèn không thể rửa sạch của tía má. Vậy mà hôm nay, trò trẻ soi ếch bắt tôm tưởng chừng bị chôn chặt bấy lâu nay hiện lên vẹn nguyên theo câu trả lời cho con trẻ. Những mơ ước thiếu thời nghe ngây ngô buồn cười khi ở tuổi thành niên, trung niên, nhưng lại là vấn đề đáng suy ngẫm trong con người của đứa con xa quê đã bước sang tuổi già, đã thấy mỏi gối chùn chân, đã mệt nhoài với những bon chen, cạnh tranh chốn thị thành. Thấy nhớ thương những buổi theo chúng bạn thả xuồng đặt lú trên đầm, ngửa mặt lên thấy bầu trời cao vời vợi, nhìn xuống là mặt nước mênh mang, trông xa như là bờ lá dừa nước mờ mờ, thâm thẩm. Cả lũ bạn cùng nằm xoãi chân tay, đầu gối lên sạp xuồng, ngửi gió tháng chạp thơm hương nếp mới, nghe gió chuyển đến tiếng vang của nhịp chày quết bánh phồng sau rặng dừa nước…

Quốc Triệu
VietnamFishingReview