Có bao nhiêu loại cần câu? ( tiếp theo )

Mar 26, 2013 05:28:19

Cần câu Spey

Cần câu Spey

“Spey cast” là một kỹ thuật quăng mồi được dùng trong kiểu câu Fly. “Spey cast” yêu cầu cần câu phải dài, nặng nên đó là lý do để cần Spey ra đời. Cần Spey thời kỳ đầu rất nặng, làm bằng loại gỗ Green-Heart của Nam Mỹ, với chiều dài 20 feet ( khoảng 6 mét ). Ngày nay, cần Spey nhẹ hơn và ngắn hơn. Loại cần này dùng để câu cá Hồi nước ngọt (Trout), các loại cá Hồi biển như Steelhead hay Salmon.

Kỹ thuật “Spey cast” cũng được dùng trong kiểu câu bờ biển, đòi hỏi người câu phải quăng mồi fly lớn và quăng được rất xa. Nhưng không nhất thiết phải có cần Spey mới học được kỹ thuật “Spey cast”. “Spey cast” có thể thực hành với bất kỳ cần câu Fly nào, miễn tay cầm dài.

Nếu mới dùng cần Spey để tập quăng “Spey cast”, lời khuyên là hãy dùng dây thật phù hợp với cần, và chiều dài dây khoảng 15m, và tất nhiên phải có cả dây leader và mồi fly nữa.

Cần Ultra-light

Cần câu Ultra light

Loại cần này chuyên dùng để câu cá nhỏ, với dây nhỏ và mồi nhẹ. Nếu gặp cá lớn thì vô cùng cảm giác. Mặc dù thuật từ “Ultra-light” để chỉ loại cần câu Spinning hay Spin – cast nhưng từ lâu, cần câu Fly dùng với dây nhỏ (size #0 - #3) cũng được sử dụng trong kiểu câu siêu nhẹ (Ultra-light fishing).

Cần câu Ultra-light Spinning và bait casting thường ngắn hơn (trung bình khoảng 1,2m-1,68m), nhẹ hơn và mềm dẻo hơn các cần câu bình thường. Action của đầu cần từ slow đến fast tùy mục đích sử dụng. Dòng cần này có trọng tải dây 1-6 lb. Một vài loại cần Ultra-light có khả năng quăng loại mồi giả siêu nhẹ, cỡ 0.4 gam, như loại mồi Spinner nhỏ, mồi Fly wet, mồi Jig Crappie… Ban đầu, cần được sản xuất để mang lại cảm hứng hơn cho các tay câu cá thể thao nhưng ngày nay cần Ultra-light đang được sử dụng  rộng rãi để câu cá Crappie, cá Hồi biển (Salmon), cá Bass, Bluegill và Panfish.      

Cần Telescopic

Cần câu Telescopic

Cần câu Telescopic (câu thủ Việt gọi là cần rút) được thiết kế để thu ngắn lại những chiếc cần câu dài. Những chiếc cần dài 6-9m, có thể thu gọn lại thành 50cm hoặc ngắn hơn, giúp cho việc vận chuyển cần được dễ dàng. Và nhờ vậy, tất cả các đốt của cần câuTelescopic đều được bảo vệ. Từ phần mỏng manh nhất của cần là đầu cần đến các phần chắc khỏe hơn, tất cả đều được lồng vào nhau. Đốt nhỏ nhất, dẻo nhất được lồng vào đầu tiên và ở lớp trong cùng khi rút gọn cần câu lại, do vậy tránh được sự va chạm gây gãy, vỡ  khi di chuyển.

Vật liệu làm cần câu Telescopic cũng giống như các loại vật liệu chế tạo cần câu một khúc, hai khúc khác, thường là sợi Graphite, sợi thủy tinh hoặc sợi tổng hợp của các vật liệu này.

Chiều dài của cần Telescopic càng ngắn thì chiều dài đóng càng ngắn và ngược lại. Cần càng có nhiều đốt thì càng mạnh và trọng lượng cần cũng nhẹ hơn, phân bổ lực đều hơn hỗ trợ việc quăng xa, khả năng “đóng” cá và ít bị gãy hơn.  

Cần Telescopic là một trong những dòng cần câu rất tiện dụng và không kém phần mạnh mẽ. Tuy nhiên dùng loại cần này cũng phải hết sức tinh ý. Hầu hết việc gãy đọt đầu cần xảy ra khi người câu thu ngắn cần lại, do không nắm được nguyên tắc thu gọn cần:

Không nên để cần ở thế nghiêng rồi ráng sức đóng các đốt lại. Tốt nhất là đặt đuôi cần trên một mặt phẳng ổn định và sau đó xoay nhẹ các đốt theo chiều thẳng từ trên xuống. Khi các đốt cần đã lỏng ra, hãy đẩy trượt xuống. Đốt thứ hai và ba rất mỏng manh nên cần lưu ý.

Chăm chút và bảo quản cho cần Telescopics cũng như các cần câu khác. Không nên tháo cần ra và đóng lại quá nhanh. Cẩn thận khi lấy cần Telescopics ra khỏi xe hơi, đặc biệt là nếu cần làm bằng chất liệu Graphite. Ngoài ra, nên sử dụng trọng lượng mồi và dây thật phù hợp với cần theo hướng dẫn sử dụng in trên thân cần.

Khi đóng cần lại mà thấy khó thì xoay nhẹ rồi mới đẩy các đốt lại với nhau. Nếu đốt cần đang bị mắc kẹt, hãy thử: Giữ đốt bị mắc kẹt với một miếng cao su và từ từ vừa xoay vừa đẩy thẳng vào trong hoặc nhẹ nhàng ấn phần bị kẹt xuống. Luôn làm điều này trên bề mặt phẳng và hết sức nhẹ nhàng. Làm lạnh đốt cần cũng giúp ích được nhiều.  

Cần câu Surf là loại được chế tác theo dạng cần Telescopics. Vì sẽ khó mà vác theo một cây cần dài 3,6m hay 4.25m, ngay cả khi đã chia làm hai khúc.

Cần câu surf

Cần câu Surf

Cần câu Surf giống như một cần câu Spinning hay Bait casting với tay cầm dài thích hợp với kiểu quăng mồi bằng hai tay. Cần Surf có chiều dài từ 3-5 mét hoặc dài hơn và đủ mạnh để có thể quăng những con mồi giả hay mồi thật ra rất xa. Cần được sử dụng để bắt cá xa bờ từ bãi biển, ghềnh đá hoặc bờ biển. Chiều dài của cần phụ thuộc vào trọng lượng mồi và khoảng cách mà người dùng muốn quăng mồi tới. Ví như một cây cần dài 3m sẽ quăng dễ dàng 1 con mồi giả nặng 56-112 gam ra xa 60 mét.

Ưu điểm của dòng cần này là có thể quăng được rất xa.

Cần Spin & Bait casting

Cần câu Spin & Bait Casting

Spin casting là dòng cần được thiết kế để giữ máy Spin casting. Cần Spin casting rất giống cần Bait casting, cũng có những khoen nhỏ và cái “cò” ở tay cầm. Khoen nằm trên thân, thẳng hàng với máy câu. Máy nằm ngang, ở phía trên cần và thẳng góc với thân cần. Dòng cần này được cho là khỏe hơn cần Spinning, chịu được dây có tải trọng lớn và có thể  đảm đương được dụng cụ câu hạng nặng.

Cần câu Spinning

Cần câu Spinning

Cần có chiều dài từ 1,5 - 2,6 m hoặc dài hơn, được làm bằng sợi carbon, sợi thủy tinh hoặc sợi tổng hợp PVC. Dọc thân cần có từ 5-8 khoen giúp kiểm soát dây câu. Không giống như cần Spin và Bait casting, cần Spinning có khoen lớn nằm dưới thân cần. Máy câu nằm ở vị trí dưới thân cần và có ổ chứa dây nằm song song với thân cần. Nhiều người có nhận xét rằng kiểu gắn máy như vậy giúp câu thủ thoải mái câu cá trong thời gian dài. Điều này cũng cho phép người dùng kiểm soát hoàn toàn máy và cần câu trong quá trình câu cá.

Cần câu Spinning cũng được sử dụng rộng rãi trong kiểu câu Trolling và câu mồi sống.

Cần câu Biển

Cần câu biển

Cần câu biển được thiết kế để hạ knock-out loại cá khủng sống trong đại dương. Cần có chiều dài không quá 4m, thân cần rất dày, khoen lớn, đầu cần lớn, tay cầm nặng… Cần biển thường được dùng để câu cá biển với mục đích thể thao. Trong số này có các loại cần thiết kế riêng cho các loại cá khủng như cá Kiếm, cá Mập… tất nhiên là đi cùng với các thiết bị rất nặng.

Cần câu Trolling

Cần câu Trolling

Trolling là một phương pháp câu cá với mồi giả, bằng cách kéo mồi theo sau tàu đang chạy. Về lý thuyết, đối với kiểu câu nước ngọt nhẹ đến trung bình, bất kỳ loại cần câu Spinning hay Bait casting nào (ngoại trừ cần Ultra-light) đều có thể dùng được để câu Trolling.

Trong suốt 30 năm qua, các nhà sản xuất đã không ngừng nghiên cứu và phát triển và cho ra dòng cần câu Trolling cơ bản. Đó là cần câu dài, nặng nề, phục vụ cho dân câu cá đại dương và câu cá hồi Great Lake, Steelhead.

Một cây cần Trolling hiệu quả phải là cần Fast Action và khá cứng sẽ dễ dàng hơn nhiều khi câu cá lớn.

Cần câu Ice

Cần câu Ice

Đây là loại cần câu Spinning rất ngắn, có chiều dài chỉ khoảng 61-91 cm, dùng để câu cá qua những lỗ nhỏ được khơi ra từ trong lớp băng dày trên mặt ao hồ.

Có rất nhiều loại cần câu tương ứng với các kiểu câu cá trên thế giới. Muốn chọn được loại cần câu phù phù hợp, người mua phải biết rõ loại cá muốn câu; Câu ở đâu? gần bờ hay xa bờ? Câu ở bờ biển hay ở bến tàu, cầu cảng… Đối chiếu các nhu cầu với kỹ thuật ứng dụng để chọn mua loại cần phù hợp. Một cây cần chất lượng cao sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc bắt cá. Ngược lại, một cây cần chất lượng thấp chỉ mang lại phiền toái mà thôi.

VFR

Bài viết liên quan:
- Có bao nhiêu loại cần câu

- Lịch sử phát triển của cần câu cá
- Chất liệu cần câu
- Cần câu Tre của người nhật
- Cần câu được làm như thế nào?