Kinh nghiệm câu cá Thu của câu thủ Việt Nam

Feb 21, 2013 13:25:15

Những ngày tháng giêng, Côn Đảo thật đẹp. Gió chướng lộng trên mặt biển mang cái lạnh còn sót lại từ năm cũ quất vào da thịt. Những con sóng tuy không quá lớn nhưng cũng ồ ạt tràn vào bờ. Mới tờ mờ sáng, trên cầu tàu 914 đã thấy một nhóm người mang vác đồ nghề lỉnh kỉnh, họ là những người yêu thích câu cá biển từ thành phố Hồ Chí Minh đến Côn Đảo để đón đầu mùa săn cá Thu của năm.

Đồ nghề câu cá Thu của các câu thủ rất phong phú và đa dạng, mỗi người mỗi kiểu. Nhìn vào đồ nghề sẽ nhận biết được ai là người mới đi câu biển, ai là người dạn dày kinh nghiệm, ai là người câu vì niềm đam mê, ai là thợ câu “cơm gạo” (từ dành để nói đến những người câu cá vì mục đích cơm áo cho gia đình).

Những người mới đi câu, đồ nghề họ mang theo thường là một đến hai cây cần thật to, khỏe, ngắn gọn với máy câu rất lớn. Họ thả mồi xuống nước và chờ đợi, loại cá nào cắn câu thì tùy.  Họ câu với tiêu chí “cho biết” rồi từ từ sắm sửa dần. 

Người câu lâu năm, trong bộ đồ nghề câu biển nhất định phải có bộ câu cá Thu, đặc biệt là thời điểm từ tháng giêng đến hết tháng ba Âm Lịch - mùa cá Thu ở Côn Đảo.

Theo anh Cường, một người rất mê câu biển, cần câu cá Thu có chút khác biệt so với cần câu các loại cá khác. Cần câu cá Thu có chiều dài lý tưởng từ 2,7m – 3m do cá thu khi bị dính lưỡi câu thường chạy với tốc độ chóng mặt, câu với cần dài, khi dong cá vào gần tàu ,sẽ dễ điều khiển hơn cần ngắn. Cần nên có action hơi dẻo một chút. Máy câu thì phải có ổ chứa dây chứa được tối thiểu 300m dây nylon có đường kính từ 0.45-0.50m.

Lưỡi câu cá Thu chuẩn có size 20 hoặc 25. Nên chọn loại lưỡi chất lượng tốt, có độ “đóng”cá tốt  để ít bị sẩy cá. Một thẻo câu cá Thu thường có 3 lưỡi câu. Hiện nay các câu thủ vẫn dùng dây cáp (loại dây kim loại như sợi dây đàn) để cột thẻo câu. Từ lưỡi câu thứ nhất đến khoen xoay buộc vào dây trục là một đoạn dây cáp dài 50cm và khoảng cách giữa các lưỡi câu còn lại từ 4-5 cm cũng được nối với dây cáp.

Các thủy thủ giúp câu thủ làm thẻo câu cá Thu

Hỏi kinh nghiệm săn cá Thu, anh Cường cười  bảo, hiện nay các câu thủ đi câu giải trí chỉ câu theo hai kiểu: Một là câu neo tàu tại chỗ với mồi sống, hai là kéo mồi theo tàu đang chạy (người nước ngoài gọi là câu Trolling). Trong câu neo, người câu có thể sử dụng kinh nghiệm của mình để câu sao cho hiệu quả nhưng trong kiểu câu trolling thì phải phụ thuộc hoàn toàn vào người lái tàu, cũng là thuyền trưởng của tàu câu.

Câu neo: Tàu được neo ở khu vực các chân rạn. Neo đuôi tàu cách rạn khoảng 40 mét, để khi thả mồi, mồi sẽ lướt qua rạn đá. Cá Thu bơi ngược nước lao tới ăn mồi. Mồi câu thường là Mực hay cá Ngân còn sống. Nếu nước chảy thì lợi dụng dòng chảy để đưa mồi ra xa. Nếu nước không chảy thì tận dụng sức gió. Kiểu câu này có dùng phao, khoảng cách từ con mồi đến phao khoảng 8 sải (tương đương 15m). Người câu thả mồi,  xả dây ra khoảng 100m và gác cần chờ đợi.

Câu neo với phao bong bóng

Câu kéo mồi theo tàu chạy, tàu chạy với tốc độ 2-3 hải lý một giờ. Các thuyền trưởng có kinh nghiệm thường cho tàu chạy theo hướng ngược dòng nước chảy, men theo các dãy đá ngầm. Người câu kéo theo một lúc 4-5 mồi (mồi thật hoặc mồi giả) theo kiểu so le, khoảng cách giữa các mồi từ 80-140 mét.

Kéo mồi theo tàu đang chạy (người nước ngoài gọi là câu Trolling)

Anh Cường cũng cho rằng đi câu cá Thu có nhiều điều rất thú vị. Ngoài việc cá Thu là một loại cá giàu dinh dưỡng ( khi mang về, bà xã cũng sẽ vui hơn và sẽ dễ dàng cho qua cái “tội” bỏ nhà đi mấy ngày liền) thì cá Thu là loài cá có khả năng kích thích mọi giác quan của người đi câu.

Thật vậy, có thể ví von Cá Thu là loại “sát thủ đại dương” vì tính hung bạo của chúng khi săn mồi. Khi chúng nhìn thấy con mồi trong tầm mắt, chúng lao tới và táp con mồi với tốc độ lên đến 100km/h. Thân thể chúng như một chiếc ngư lôi được cấu kết vững chắc bởi những thớ thịt rắn chắc, miệng chiếm gần hơn phân nửa chiều dài đầu với hàm răng sắc như dao. Cách chúng ăn mồi cũng rất tàn bạo: Từ dưới con mồi, con cá Thu phóng lên táp đứt đuôi con mồi để con mồi không kịp tìm hướng trốn chạy, rồi ngay sau đó nó mới quay lại ngoạm phần đầu. Khi gặp kẻ thù hoặc mắc câu, chúng chạy với tốc độ 100km/h. Cá Thu cũng là loài rất tinh khôn, nhiều trường hợp cá Thu trốn thoát được trong những tình huống rất hy hữu. Các nhà nghiên cứu về loài cá này đã lý giải rằng cá Thu có một khả năng rất đặc biệt là khi chúng gặp nguy hiểm hay sợ hãi, cơ thể chúng tiết ra một lớp dịch nhờn làm cho lớp da trở nên trơn nhớt giúp trốn thoát kẻ thù rất nhanh.

Từ hàng trăm năm nay, Cá Thu lớn luôn là loài được các tay câu cá thể thao theo đuổi. Có thể do chính bản chất săn mồi đơn độc của chúng nên ít khi nào các tay câu bắt được nguyên đàn. Nó cũng là loài cá “thoắt ẩn, thoắt hiện” . Chúng có thể đang bị đưa vào “tròng”, lại bỗng chốc biến mất không dấu vết. Những tay câu trứ danh trên thế giới phải tốn rất nhiều công sức, vận dụng mọi chiến thuật, mọi kỹ thuật và kinh nghiệm để khắc trị được loài cá hung hãn này. Vậy nên ai ra biển cũng chuẩn bị sẵn sàng một tư thế đón đầu cá Thu.

VietnamFishingReview