Hướng dẫn quăng mồi với cần câu Surf

Nov 26, 2012 09:32:19

Cần câu Surf thường là cần khá nặng và dài để cân đối với những điều kiện câu như câu ở khu vực hồ lớn, bờ biển thoáng rộng nhiều gió, mục tiêu ở xa, dây tải trọng cao, chì lớn để tăng sức bẫy khi ném xa. Vì vậy nắm được nguyên tắc ném với cần Surf sẽ thuận lợi hơn nhiều cho người câu, vì kiểu ném với surf khác hẳn so với các kiểu ném với cần thông thường.

Chuẩn bị máy, dây, thẻo, mồi, chì…

Sử dụng cần câu Surf cần lưu ý: Cần, máy, dây, mồi, chì phải tương thích với nhau.

Máy câu: Tùy theo loại cá muốn câu, hoặc địa hình câu để chọn máy cho phù hợp. Cần Surf có thể dùng với máy câu đứng thông thường hoặc máy đồng bộ là máy Surf. Nếu chọn địa hình câu là bờ biển, khu ghềnh đá, cầu cảng, bến tàu, hoặc các bờ chắn sóng thì nên chọn máy có ổ cước rộng chứa được nhiều dây.

Dây: Quấn dây vào máy nên đầy để khi quăng sẽ ít bị cản dây vào ổ chứa dây.

Thẻo: Nếu chọn dây shock leader làm thẻo nên chọn loại chịu lực 40-50lb để phòng dây bị đứt khi ném. Độ dài của thẻo từ 15-60cm tính từ đầu cần. Nối đoạn thẻo với khoen chống xoắn.

Các kiểu ném mồi
Tùy theo địa hình câu, hoặc mục tiêu mà người câu chọn thế ném mồi xa hoặc gần.

Ném mồi nhẹ, mục tiêu gần:

Thế đứng:
Nếu người câu thuận tay phải, hãy đặt chân trái nghiêng về bên phải một chút để tăng lực đẩy mồi đi. Không được đứng song song với bờ hay thẳng góc với hướng ném sẽ làm giảm sức mạnh khi ném mồi.

Kéo mồi về sát đầu cần; phất nhẹ mồi ra phía sau qua đầu; Đưa cần ra sau nghiêng một góc 45 độ. Tại vị trí này hướng cần về phía mục tiêu, vụt thật nhanh, mạnh qua đầu hướng về mục tiêu; Đặt cần nghiêng một góc 45 độ trước mặt, và thả dây ra, theo dõi đường bay của mồi và từ từ hạ thấp cần theo chiều rơi của mồi. Khi mồi chạm mặt nước thì quay máy so dây.

Khi ném mồi kiểu này, đôi khi gặp tình trạng mồi bị tuột ra khỏi lưỡi câu khi người câu vung mạnh cần ném về phía trước. Có thể giải quyết việc này bằng thế ném khác như sau: Treo mồi vào đoạn thẻo dài 1m tính từ đầu cần. Vung cần ra sau, thả mồi sát đất phía sau lưng rồi vụt mồi thật nhanh, mạnh qua đầu hướng về mục tiêu. Cách này cũng hạn chế việc vặn cần gây tức cần và gãy bất ngờ.

Ném mồi cho mục tiêu rất xa:

Thả dây ra khỏi đầu cần một đoạn khoảng 1,5-2m. Xoay nghiêng người, đưa cần ra phía sau, giữ cần trên cao nghiêng theo chiều đứng của người câu. Lắc cho mồi đưa ra xa khỏi đầu cần, đưa lên cao xa khỏi thân mình,và bắt đầu lắc cho mồi đong đưa tới lui. Khi mồi đong đưa tới mức cao nhất thì vụt cần về phía trước cho mồi tung ra xa.

Kiểu ném này có ưu điểm là dồn lực tối đa vào cần khi đong đưa mồi rồi ném, giúp mồi bay xa. Những người câu bình thường nếu tập luyện thường xuyên có thể ném được mồi xa tới 130 mét. Trong khi người câu chuyên nghiệp ném đến hơn 200 mét với thế ném này.

Sử dụng thế ném này khi câu ở bờ biển, cầu cảng, khu vực ghềnh đá, nơi rộng thoáng giúp mồi tránh được các mỏm đá khiến mồi bị vướng hoặc bị tơi nát khi rơi trúng đá…

Những điều cần lưu ý:

Câu với máy spinning sẽ ứng dụng được với nhiều thế ném mồi. Người câu dùng một tay cầm chuôi cần, một tay nắm máy để kiểm soát dây tuôn ra. Khi ném mồi, mồi bay ra cùng lúc với dây khi cần đang nghiêng với mặt nước một góc 45 độ. Nếu thả dây sớm quá, đường đi sẽ dài nên khi mồi chạm mặt nước dây sẽ bị chùng rất nhiều. Còn nếu thả dây chậm mồi sẽ chạm mặt nước nhanh và vì vậy mồi sẽ không bay được xa. Nếu địa hình câu có nhiều gió, cần đưa tầm ném rà sát mặt nước để tránh gió tạt mồi.

Ném với cần câu Surf (thường dài) cần lưu ý sự an toàn cho người xung quanh và bản thân trong điều kiện mồi và chì nặng. Trong thế ném để quăng mồi thật xa, cần phải có một một biên độ an toàn được tính như sau:

Chu vi khoảng trống xung quanh người câu = độ dài cần câu + độ dài của dây ra khỏi cần + 3m khoảng trống an toàn. Ví dụ với cây cần surf 4,5m cần phải có một khoảng trống xung quanh khoảng 10 mét để thao tác.

VietnamFishingReview